Xuyên Đến Năm Mất Mùa, Ta Trở Thành Mẹ Chồng Cực Phẩm

Chương 425

Mặt trời chiều đã ngả về Tây.

Ánh sáng màu cam chiếu xuống đồng ruộng, luống rau và ngọn núi được bao phủ bởi một vầng hào quang ấm áp, giống như một bức tranh sơn dầu.

Khi ánh tà dương còn chưa tan hết, Triệu Nhị Cẩu đã vội vàng đánh xe ngựa trở về.

Trình Loan Loan đang ngồi ở trong sân trêu chọc sói con cùng chó con, ngẩng đầu nhìn thì thấy lão Nhị nhà mình từ trên ngựa nhảy xuống, dắt ngựa đi vào.

Ánh mắt nàng dừng ở trên xe ngựa một chút, mặc dù bị bức màn che lại, nhưng nàng có thể cảm giác được trong xe ngựa vẫn còn rất nhiều vải vóc.

Những chuyện này nàng cũng không có hỏi, đứng lên nói: "Con về rồi thì mau đi rửa tay, nương chờ con ăn cơm."

Triệu Nhị Cẩu yên lặng dắt ngựa đến chuồng ngựa phía sau, yên lặng ngồi xuống mép bàn, yên lặng ăn cơm, từ đầu đến cuối không nói một lời.

Thẩm Chính cảm giác có gì đó không thích hợp, vỗ vai hắn hỏi: "Này, Nhị Cẩu, tiểu tử nhà ngươi làm sao mà một câu cũng không nói?"

"Có chút mệt." Triệu Nhị Cẩu buông chiếc đũa: "Trong sân còn củi, ta đi chẻ củi."

Triệu Tam Ngưu lập tức đứng dậy: "Nhị ca, đây là công việc của đệ, huynh đừng đoạt bát cơm của đệ chứ."

Triệu Nhị Cẩu lúc này mới phục hồi tinh thần: "Đệ không phải đang luyện võ sao, sao lại trở về?"

"Chuyện này..." Triệu Tam Ngưu gãi gãi đầu, "Dù sao cũng đã về, trước kia là đệ chẻ củi, bây giờ vẫn cứ như vậy đi!"

Hắn chạy nhanh ra sân, chộp lấy chiếc rìu trong tay, sợ việc của mình bị đoạt mất.

Trình Loan Loan mở miệng nói: "Mấy ngày nữa là tới lúc thu hoạch chỗ lúa tái sinh rồi, đến lúc đó lại phải bận rộn chừng nửa tháng, nhân lúc này có thời gian rảnh, đốn nhiều củi một chút, Nhị Cẩu, con tạm gác công việc lại một thời gian, phụ chút việc trong nhà nhé."

Triệu Nhị Cẩu mấp máy khóe miệng.

Hắn bỗng nhiên hiểu được, nương quả nhiên biết tất cả, chỉ là nương muốn giữ mặt mũi cho hắn nên không muốn vạch trần mà thôi.

Hắn từ lúc bắt đầu buôn bán tới nay vẫn luôn thuận buồm xuôi gió, trên cơ bản chưa từng gặp qua chuyện gì khó khăn.

Hắn cho rằng, chuyện lần này cũng sẽ được giải quyết nhanh chóng nhưng đã vài ngày qua đi mà một chút khởi sắc cũng không có.

Hắn đã đầu tư vào đó chẵn chín mươi lượng bạc, số bạc này có thể dùng để xây thêm một căn nhà lớn giống như căn bọn họ đang ở... Đây là một khoản tiền khổng lồ mà thôn dân ở thôn Đại Hà cả đời cũng không bao giờ kiếm được.

Sau khi kiếm được nhiều bạc như vậy, hắn đã bắt đầu mất lý trí, nương đã nói qua với hắn, Oánh Oánh cô nương cũng từng nhắc nhở nhưng hắn không coi trọng những điều đó.

Vì thế, hắn bị quật ngã một cách thảm hại.

"Nương, thực xin lỗi, con không nên giấu..."

Triệu Nhị Cẩu cúi đầu, mặt đầy áy náy.

"Đây là chính việc làm ăn của con, không cần xin lỗi nương." Trình Loan Loan dịu dàng nói: "Hơn nữa đây mới chỉ qua một ngày, qua hai ngày mới thất bại mà con đã không chịu nổi rồi sao?"

Triệu Nhị Cẩu mở miệng nói: "Toàn bộ các thôn ở trấn Bạch Vân con đều đã đi một chuyến, thị trường vải vóc hiện nay đã bão hòa, một cây vải cũng bán không được."

Bởi vì hắn bán vải hai lần liên tiếp làm cho thôn dân trong trấn Bạch Vân thấy được cơ hội kiếm lời, bốn, năm người to gan liền bỏ vốn đầu tư vào thị trường này, mới đó đã kiếm được phân nửa lợi nhuận, vì thế càng ngày càng nhiều người bắt đầu kinh doanh, ngắn ngủn một hai, ngày, hơn phân nửa thị trường ở trấn Bạch Vân đã bão hòa, hắn không phải là người duy nhất phải ôm trọn số vải, còn có rất nhiều thôn dân của trấn Bạch Vân cũng chịu chung hoàn cảnh.

Những hộ dân này đã đến các tiệm vải ở trấn Bình An để trả lại hàng, chưởng quầy thu lại với giá thấp hơn hai văn tiền. Làm sao có thể trả lại hàng với giá hai văn tiền được, vì thế những hộ dân đó chỉ có thể nhịn đau chịu một nửa chi phí.

Những người đó đầu tư ít bạc hơn, một nửa phí tổn nhiều nhất là một lượng bạc, nhưng chỗ vải này của hắn, một nửa phí tổn là hơn bốn mươi lượng bạc.

Số bạc đó hắn không chịu lỗ được.

Vì thế, hắn đem toàn bộ hàng hóa chất lên xe, chở về nhà.

"Con có hỏi thăm qua, Nam Dương bên kia không thích hợp gieo trồng sợi gai cùng cây thầu dầu nên vải thô, vải bố đều có giá khá cao, có thể bán được tới sáu, bảy văn tiền một thước." Triệu Nhị Cẩu mở miệng nói: "Nương, con muốn đi một chuyến đến Nam Dương."
Bình Luận (0)
Comment